7 lưu ý về phương pháp dạy trẻ học đánh vần tại nhà
10/ 11/ 2017 09:48:00 0 Bình luận
1. Lưu ý về thời gian học đánh vần
Ở độ tuổi của các bé chuẩn bị vào lớp 1, sự tập trung mà con có trong thời gian dài dường như là rất khó khăn, vì vậy để dạy con đánh vần hiệu quả, bố mẹ nên cùng con học vào những thời điểm bé ít bị chi phối bởi các trò chơi tiêu khiển. Phụ huynh có thể chọn thời gian tốt nhất là khi tắm vì trong phòng tắm bé không có nhiều trò chơi như những chỗ khác nên dễ tập trung hơn trong việc học đánh vần tên mình.
2. Học đánh vần qua các trò chơi
Bé còn nhỏ nên không thể tránh khỏi việc ham chơi, vậy thì các bố mẹ có thể lợi dụng tâm lý này của con để dạy con một cách hiệu quả nhất. Học đánh vần qua chính các trò chơi bé yêu thích. Hiệu quả hơn, bố mẹ có thể dùng các tấm chữ cái có gắn nam châm, giấy note có hình thú vị rồi gắn chúng lên tủ lạnh hoặc những nơi trẻ thường xuyên nhìn thấy, sau đó mỗi lần trẻ nhìn thấy, bạn lại chỉ cho con những ký tự, cách ghép vần. Ngoài ra, mẹ có thể mua cái bảng treo lên tường rồi viết chữ lên đấy, dạy con từng chữ một, hoặc mua 1 bộ chữ tượng hình có kèm tranh ảnh
Trước khi dạy bé tập đánh vần bố mẹ có thời gian dạy cho bé nhớ hết mặt chữ cái, dấu câu. Có thể mua các thẻ chữ, số, kèm hình ảnh để con có hứng thú học hơn. Thêm vào đó, bố mẹ nên tìm những câu đơn giản để bé có thể đánh vần trước. Sau đó giúp đỡ bé đánh vần và lưu tâm những từ khó đánh vần như “a+i” để bé tập ghép hiệu quả một vài câu đơn giản.
3. Kiên nhẫn đối với trẻ
Tâm lý của bố mẹ luôn là nôn nóng cho con mình nhanh biết đánh vần, nhưng cũng đừng vì thế mà bố mẹ dùng các biện pháp bạo lực, ép buộc con đánh vần. Hãy nhẹ nhàng và khuyến khích con, bé rất thích những điều vui vẻ vì thế đừng tạo áp lực cho chúng. Bố mẹ không nên ép con học đánh vần, mỗi ngày cho bé tiếp nhận một ít và tích tụ dần dần.
4. Chuẩn bị sẵn tâm lý
Bố mẹ nên chuẩn bị sẵn tâm lý, cho con vừa học, vừa chơi thôi. Khi tư tưởng mẹ thoải mái, con hào hứng, bé sẽ tiếp thu tốt hơn. Bố mẹ có thể bắt đầu với những chữ quen thuộc nhất với bé như tên con, tên bố mẹ, tên anh chị em để con dễ nhớ. Hàng ngày, cho bé ký tên vào các bức tranh tự vẽ, viết tên riêng của bé lên ba lô, hộp bút…
5. Thường xuyên ôn tập
Kể cả người lớn, nếu không thường xuyên ôn tập lại những gì đã học, việc xao nhãng là hoàn toàn dễ dàng, vì vậy, đối với việc học vần của con, bố mẹ cũng nên thường xuyên nhắc lại để con không bị quên. Để ôn tập lại những chữ đã dạy, bố mẹ nên thay đổi phương pháp, thay vì bắt bé nhớ lại cả chữ, bố mẹ nên cho bé tìm chữ cái bị mất, ví dụ như từ “bàn” chỉ còn “…àn” rồi cho bé từ “b” và “d” hỏi xem phải ghép chữ nào con nhỉ. Bạn nên cho bé vài cơ hội lựa chọn, thì bé đỡ ngại, đỡ sợ khi trả lời.
6. Khen ngợi, khuyến khích
Do con còn nhỏ nên thường rất hiếu động, ước mơ con ngồi “ôm sách” là điều khó có thể xảy ra, vì vậy ,xem xét độ hào hứng của trẻ, nếu trẻ thích có thể dạy nhiều chữ, còn trẻ không hứng thì chỉ nên dạy khoảng 2-3 chữ. Sau đó, khi bé xem phim thì cha mẹ nhắc lại những chữ đã dạy để trẻ nhớ. Thường xuyên khen ngợi và khuyến khích nếu con đánh vần, ghép đúng được 1 từ.
7. Học đánh vần chỉ là một phần rất nhỏ trong nhiều việc bạn có thể làm để giúp con phát triển ngôn ngữ
Nếu bạn bận rộn không có nhiều thời gian, bạn có thể phó mặc phần dạy trẻ đánh vần cho cô giáo lớp 1, hầu hết các bé đều có thể học rất nhanh.Nhưng hãy cố gắng dành thời gian chơi mà học để giúp con phát triển ngôn ngữ từ trước khi vào lớp 1.